Lái xe trong điều kiện thời tiết sương mù dày đặc là điều không được các chuyên gia khuyến cáo, vì lúc này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, những người tham gia giao thông gặp nhiều trở ngại về tầm nhìn trên đường đi. Do đó, chờ sương mù tan là giải pháp an toàn nhất. Nếu không tránh được, bắt buộc phải di chuyển ở những nơi có sương mù, tài xế cần trang bị cho mình những kỹ năng sau đây, từ lời khuyên của các chuyên gia.
Về vận hành xe, khi gặp sương mù hoặc mưa, tài xế có thể bật đèn sương mù, có tác dụng giúp các phương tiện khác nhìn rõ xe phía trước khi tầm nhìn bị giảm. Chỉ nên dùng đèn chiếu gần (cốt) vì lúc này, màn sương là những giọt nước nhỏ, khi bật pha, tia sáng chiếu lên những giọt nước gây ra hiện tượng tán xạ, chói mắt tài xế, tương tự như việc chiếu sáng lên một tấm gương lớn.
Hơn nữa, ánh sáng trắng hoặc xanh từ đèn xe bị tán xạ trên lớp sương mù có thể khiến tài xế nhanh mỏi mắt, giảm sự tập trung. Lúc này ánh đèn màu vàng là một giải pháp đơn giản, hữu hiệu để giúp tài xế tăng độ thoải mái khi di chuyển, giúp quan sát đường rõ ràng hơn do ánh vàng đỡ chói mắt hơn cho cả chính tài xế và các xe khác đang lưu thông. Chủ xe có thể mua miếng đề can/film vàng trong suốt chuyên dụng để dán bên ngoài đèn, có bán tại các cửa hàng chăm sóc xe, giúp đèn chiếu ra ánh vàng có tác dụng "phá sương".
Đối với ôtô, không nên dùng chế độ ga hành trình (kể cả loại cố định một tốc độ hoặc thích ứng), vì trời sương mù dày đặc khiến camera trên hệ thống an toàn chủ động có thể hoạt động sai, tài xế nên tự điều tiết ga và phanh khi gặp những tình huống nguy hiểm.
Khi nhìn về phía trước, nếu khó quan sát vạch kẻ đường, người điều khiển xe máy, ôtô có thể dùng các cột mốc bên vệ đường như như cọc, biển báo để xác định làn đường, nhưng vẫn phải luôn hướng mắt về phía trước. Bên cạnh đó cần giảm tốc độ và giữ khoảng cách xa hơn với các phương tiện khác.
Để an toàn hơn khi di chuyển trong trời sương, có thể xịt thêm lớp chống đọng nước ở trên bề mặt kính xe để hạn chế kính bị mờ. Những người lái xe máy có thể xịt lớp chống nước này ở bề mặt trong và ngoài của kính trên mũ bảo hiểm nếu có.
Một điểm cần lưu ý là phải tập trung cao độ khi thời tiết xấu để sẵn sàng phản ứng kịp thời với tình huống nguy hiểm. Một số việc cần làm bao gồm để điện thoại ở chế độ im lặng/không làm phiền. Nếu có cuộc gọi, tốt nhất nên để lúc dừng xe để trả lời, nếu không thể nên dùng chế độ rảnh tay, loa ngoài.
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi trường đại học Memorial University of Newfoundland (Canada) vào năm 2002, nhạc càng to, khả năng phản ứng của tài xế càng chậm. Cụ thể, khi nhạc có độ ồn 95 dB, thời gian phản ứng tăng thêm 20%. Hơn nữa, tiếng nhạc to thường át đi các âm thanh môi trường, như tiếng lốp, tiếng máy, tiếng còi báo hiệu từ xe khác. Do đó cần giảm nhỏ nhạc khi đi trên đường có sương mù dày đặc hoặc mưa, hoặc có thể hé cửa bên lái, phụ để nghe âm thanh môi trường xung quanh rõ hơn.
Ngoài ra, để tránh phân tâm khi lái xe, tài xế không nên vươn người với các đồ vật ở xa, ăn uống hoặc thao tác với màn hình cảm ứng, vì những việc này thường khiến tài xế rời mắt khỏi đường đi phía trước.
(Nguồn https://vnexpress.net/nhung-dieu-can-chu-y-khi-lai-xe-trong-suong-mu-4705077.html)